Mạng xã hội kết nối mọi người một cách nhanh chóng, đem đến nguồn thông tin sâu rộng nhưng đồng thời cũng đang mở ra những mối hiểm hoạ khôn lường bởi cách sử dụng của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ.
Càng ngày càng có nhiều hơn những câu chuyện đau lòng từ hệ quả của các trang mạng xã hội. Đó là mua bán, kết bạn nhằm mục đích lừa đảo; là “tiếp thị” thân thể, kết bè kết đám bôi xấu người khác, lan truyền những trang web đen, hình ảnh tiêu cực…
Ngoài ra, “sử dụng Facebook quá nhiều có thể gây ra rối loạn tâm lý ở tuổi thiếu niên”. Đó là kết luận được đưa ra trong nghiên cứu mới đây với chủ đề “Sống ảo” được tiến hành bởi Larry Rosen, Giáo sư tâm lý thuộc Đại học California (Mỹ).
Nghiên cứu còn chỉ ra một số ảnh hưởng tiêu cực mà mạng xã hội lớn nhất hiện nay gây ra cho trẻ là: rối loạn tâm lý, có các hành vi chống đối xã hội, hoang tưởng, sống tiêu cực, uống nhiều rượu; thường xuyên bỏ học, nguy cơ cao bị đau dạ dày, mất ngủ, lo âu, trầm cảm, kết quả học tập sút kém, tỷ lệ đọc thấp.
Không ít trường hợp, sau một thời gian sống trong thế giới "ảo", không biết đâu là thật, đâu là ảo, nhiều người không thể hòa nhập vào cuộc sống thực. Đáng lo ngại là cả không ít người trẻ có tri thức cũng đang dần rơi vào thế "tự kỷ" chỉ biết kết nối với những người ảo trên mạng, mà quên mất người thân quanh mình.
Cần một sự định hướng
Ảnh hưởng của các trang mạng xã hội tác động rõ rệt nhất là lên tầng lớp thanh thiếu niên, thế hệ tương lai của đất nước. Điều cần thiết là gia đình, nhà trường hãy định hướng chứ không nên cấm đoán, áp đặt cách tiếp nhận văn hóa đối với giới trẻ.
“Thế giới tưởng tượng cũng tốt nhưng phải cân bằng với cuộc sống thực. Chỉ khi lăn vào cuộc sống thực, sống, lớn lên trong thế giới thực con người mới rèn được cách sống, chứ không phải là trong môi trường ảo.
Bố mẹ chính là cầu nối cho con giữa hai thế giới ảo - thực đó. Hãy là cầu nối cho con bằng chính sự quan tâm, trò chuyện, sẻ chia, cung cấp cho con những kiến thức cơ bản nhất và cũng nên gợi mở để trẻ có thể nắm bắt được từ kho tàng kiến thức khổng lồ trên Internet”, TS.BS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng nói.
Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng thêm những nơi vui chơi giải trí lành mạnh như các nhà văn hóa, các câu lạc bộ, các rạp chiếu phim, sân khấu cộng đồng… làm phong phú đời sống tinh thần của giới trẻ. Để làm “lành mạnh hóa” đời sống văn hóa của giới trẻ, thực sự cần có cái nhìn cảm thông và trách nhiệm hơn từ phía cộng đồng.
Không thể phủ nhận được những lợi ích to lớn mà các trang mạng xã hội đem lại. Việc phát triển như vũ bão của chúng cũng là điều tất yếu trong thời đại công nghệ thông tin, hội nhập toàn cầu hiện tại. Nhưng nếu quá lệ thuộc vào nó, cuộc sống ảo hiếm khi mang lại hạnh phúc đích thực. Để phát huy những điểm tích cực thì việc kiểm soát hoạt động của các trang mạng xã hội là điều nhất thiết phải thực hiện.
Nguồn : Tin Tức
Bình Luận:
0 bình luận: